Tìm hiểu về Chánh Tư Duy – Bồ Tát Long Thọ
Trích “ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN” – Chương 29: Giải thích Ba mươi bảy phẩm trợ đạo; Dịch Phạn ra Hán: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập; Dịch Hán ra Việt: HT. Thích Thiện Siêu; Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam; 1997
—-
Chánh tư duy nay sẽ nói: Bồ-tát đối với các pháp không, vô sở đắc. Trú ở trong chánh kiến như vậy, quán xét tướng của chánh tư duy; biết tất cả tư duy đều là tà tư duy, cho đến tư duy Niết-bàn, tư duy Phật, đều cũng như vậy, vì cớ sao? Vì dứt hết thảy tư duy phân biệt; ấy gọi là Chánh tư duy.
Các tư duy phân biệt đều do bất thật hư dối điên đảo nên có, tướng phân biệt tư duy đều không. Bồ-tát trụ trong Chánh tư duy như vậy, không còn thấy là chánh là tà, vượt qua mọi tư duy phân biệt; ấy gọi là chánh tư duy. Hết thảy tư duy phân biệt đều bình đẳng, đều bình đẳng cho nên tâm không đắm trước; như vậy là tướng chánh tư duy của Bồ-tát.
Chánh ngữ là Bồ-tát biết hết thảy ngôn ngữ đều do phân biệt thủ tướng hư vọng bất thực điên đảo mà sanh ra. Khi ấy Bồ-tát nghĩ rằng: Trong ngôn ngữ không có tướng ngôn ngữ, dứt hết thảy các khẩu nghiệp, biết thật tướng các ngôn ngữ; ấy là chánh ngữ.
Các ngữ ấy không từ đâu lại, diệt cũng không đi về đâu; ấy là Bồ-tát thực hành chánh ngữ. Có nói năng gì đều trú ở trong thật tướng mà nói ra, do vậy nên các kinh nói: Bồ-tát trụ ở trong chánh ngữ, hay khởi các khẩu nghiệp thanh tịnh; biết chơn tướng của hết thảy ngữ ngôn, tuy nói mà không bị rơi vào tà ngữ.
Chánh nghiệp là Bồ-tát biết hết thảy tà tướng của nghiệp, hư vọng không thật, đều không có tướng tạo tác; vì cớ sao, vì không có một nghiệp nào được có tướng nhất định.
Nếu hết thảy nghiệp đều không, tại sao Phật nói bố thí v.v… là thiện nghiệp, sát sanh v.v… là bất thiện nghiệp; siêng làm các việc khác là nghiệp vô ký?
Trong các nghiệp còn không có một huống gì có ba. Vì cớ sao? Như lúc đi đã đến thời không có nghiệp đi (sự đi), chưa đến cũng không có nghiệp đi, hiện tại đang đi cũng không có nghiệp đi. Do vậy nên không có nghiệp đi.
Đã đến nơi thời có thể không, chưa đến nơi thời có thể không, còn hiện tại chỗ đang đi thì phải là có đi chứ?
Chỗ hiện đang đi cũng không có đi, vì cớ sao? Vì trừ nghiệp đi, chỗ hiện đang đi không thể có được. Nếu trừ nghiệp đi, có chỗ hiện đang đi, thì trong đó có thể có đi, nhưng không phải vậy. Trừ chỗ hiện đang đi thời không có nghiệp đi, trừ nghiệp đi thời không có chỗ hiện đang đi; vì cùng làm duyên chung với nhau nên không được chỉ nói chỗ hiện đang đi là có đi. Lại nữa, nếu chỗ hiện đang đi có nghiệp đi, thời lìa nghiệp đi nên phải có chỗ hiện đang đi, lìa chỗ hiện đang đi nên phải có nghiệp đi.
Nếu như vậy có lỗi gì?
Vì trong một lúc có hai nghiệp đi. Nếu có hai nghiệp đi thời có hai người đi; vì cớ sao, trừ người đi thời không có đi. Nếu trừ người đi, chỗ hiện đang đi không thể có được; không có chỗ hiện đang đi thời cũng không có người đi.
Lại nữa, người không đi cũng không đi, cho nên không có nghiệp đi. Nếu trừ người đi và người không đi, thì lại không có người đi thứ ba.
Người không đi, thì không đi là như vậy; còn người đi cớ sao nói là không đi?
Trừ nghiệp đi, người đi không thể có được. Trừ người đi, nghiệp đi không thể có được. Như vậy, hết thảy pháp nghiệp đều không; ấy gọi là Chánh nghiệp.
Các Bồ-tát chứng nhập lý các nghiệp bình đẳng, không cho tà nghiệp là ác, không cho chánh nghiệp là thiện. Không tạo tác gì, không tác chánh nghiệp, không tác tà nghiệp; ấy gọi là thật trí tuệ, tức là chánh nghiệp.
Lại nữa, trong các pháp bình đẳng, không chánh không tà, như thật biết các nghiệp, biết như thật rồi không tạo tác, không ngừng nghỉ, như vậy người trí thường có chánh nghiệp, không có tà nghiệp; ấy gọi là chánh nghiệp của Bồ-tát.
Chánh mạng là hết thảy đồ giúp nuôi mạng sống đều chánh chứ không tà. Trụ trong trí bất hý luận, không thủ chánh mạng, không xả tà mạng, cũng không ở trong chánh pháp, cũng không ở trong tà pháp, mà thường ở trong trí thanh tịnh, chứng nhập lý bình đẳng chánh mạng, không thấy mạng, không thấy phi mạng. Thực hành thật trí tuệ như vậy, nên gọi là Chánh mạng.
Nếu Bồ-tát quán được Ba mươi bảy đạo phẩm ấy thời vượt qua Thanh-văn, Bích-chi Phật địa mà vào trong địa vị Bồ-tát, dần dần thành được Nhất thiết chủng trí.
BỒ TÁT DI LẶC KHEN NGỢI CÔNG ĐỨC CỦA THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ
Trích: Kinh đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm – Phẩm nhập pháp giới thứ 39; Dịch giả: HT. Thích Trí Tịnh; NXB. Tôn Giáo
—-—-
Di Lặc Bồ Tát quán sát tất cả chúng hội nơi đạo tràng chỉ dạy Thiện Tài rằng:
Này đại chúng! Các ngài thấy đồng tử này hiện đương hỏi tôi về công đức của Bồ Tát hạnh đây chăng?
Đồng tử này dũng mãnh tinh tấn, chí nguyện không tạp, thâm tâm kiên cố hằng chẳng thối chuyển, đủ những hy vọng thù thắng như chữa dầu cháy không hề nhàm đủ, mến chư thiện tri thức, thân cận cúng dường, tìm cầu khắp nơi để kính thờ thỉnh pháp.
Trước đây, đồng tử này thọ giáo nơi đức Văn Thù, rồi lần lượt đi qua phương Nam cầu thiện tri thức. Trải qua một trăm mười vị thiện tri thức, nay mới đến đây gặp tôi. Đồng tử này chưa từng có một niệm lười mỏi.
Đồng tử này rất là khó có.
Đồng tử này xu hướng Đại thừa, đi nơi đại huệ, phát đại dũng mãnh, choàng giáp đại bi, dùng tâm đại từ cứu hộ chúng sanh, khởi đại hạnh đại tinh tấn Ba la mật, làm đại thương chủ hộ trợ các chúng sanh, làm thuyền pháp lớn vượt qua biển hữu lậu, trụ ở đại đạo, chứa họp pháp bửu lớn, tu những pháp trợ đạo rộng lớn. Người như thế rất khó được nghe, rất khó được thấy, rất khó được gần gũi cùng ở cùng đi.
Tại sao vậy? Vì đồng tử này phát tâm cứu hộ tất cả chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh thoát khổ, khỏi ác thú, rời hiểm nạn, phá vô minh, khỏi sanh tử, dứt các loài, khỏi cảnh ma, chẳng nhiễm thế pháp, ra khỏi ái dục, dứt tham, hết kiến chấp, phá tưởng, tuyệt mê, xô kiêu mạn, trừ phiền não, triệt ngủ nghỉ, xé lưới ái, diệt vô minh, qua khỏi dòng hữu lậu, lìa siểm nịnh, tịnh tâm cấu ra khỏi sanh tử.
Đồng tử này vì những người bị bốn dòng hữu lậu cuốn trôi mà tạo thuyền đại pháp. Vì những người bị sình lầy kiến chấp lún chìm mà lập cầu đại pháp. Vì những người bị si tối làm hôn mê mà thắp đèn đại trí. Vì những người đi trong đồng hoang sanh tử mà khai thị Thánh đạo. Vì những người mang bịnh nặng phiền não mà điều hòa pháp dược. Cho người bị khổ sanh lão tử uống cam lộ để được an ổn. Vì người vào trong lửa tham, sân, si mà tưới định thủy cho họ được thanh lương. Với người nhiều lo sầu thời an ủi cho họ được an. Với người bị nhốt trong ngục hữu lậu thời khuyên bảo họ thoát ra. Với người vào lưới kiến chấp thời mở lưới bằng kiếm trí huệ. Với người ở trong thành tam giới thời chỉ cửa giải thoát. Với người ở chỗ hiểm nạn thời dắt họ đến chỗ an ổn. Với người sợ giặc kiết sử thời cho họ pháp vô úy. Với người đọa ác thú thời trao cho họ tay từ bi. Với người bị hại về ngũ uẩn thời chỉ cho họ thành Niết bàn. Với người bị ràng buộc trong thập bát giới thời dùng Thánh đạo để mở. Với người đắm nơi trong tụ lạc lục xứ trống rỗng thời dùng ánh sáng trí huệ để dẫn họ ra. Người ở nơi đạo tà thời dùng chánh đạo cứu họ. Người gần ác hữu thời chỉ thiện hữu cho họ. Người ưa phàm pháp thời dạy cho Thánh pháp. Người ham sanh tử thời làm cho họ xu hướng thành Nhứt thiết trí.
Đồng tử này hằng dùng những công hạnh như vậy để cứu hộ chúng sanh, phát Bồ đề tâm chưa từng thôi dứt, cầu Đại thừa đạo chưa từng lười mỏi, uống những pháp thủy không lòng nhàm đủ, hằng siêng chứa nhóm hạnh trợ đạo, thường thích tịnh tu tất cả pháp môn, tu hạnh Bồ Tát chẳng bỏ tinh tấn, thành mãn đại nguyện, khéo thật hành phương tiện, luôn muốn được thấy thiện tri thức, kính thờ thiện tri thức thân không lười mỏi, nghe thiện tri thức dạy bảo thời luôn tùy thuận thực hành chưa từng trái nghịch.
Này đại chúng! Nếu chúng sanh nào có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề thời là rất hy hữu. Nếu đã phát tâm lại có thể tinh tấn phương tiện chứa nhóm những Phật pháp như vậy thời lại càng hy hữu hơn.
Lại có thể cầu Bồ Tát đạo như vậy, tịnh Bồ Tát hạnh như vậy; thờ thiện tri thức như vậy, như chữa dầu cháy như vậy, thuận theo lời dạy của thiện tri thức như vậy, kiên cố tu hành như vậy, chứa nhóm Bồ đề phần như vậy, chẳng cầu tiếng tăm lợi dưỡng như vậy, chẳng bỏ tâm Bồ Tát thuần nhứt như vậy, chẳng thích nhà cửa như vậy, chẳng ham dục lạc, chẳng luyến cha mẹ thân thích tri thức, chẳng thích theo cầu Bồ tát bạn lữ, lại có thể chẳng đoái đến thân mạng mà chỉ nguyện siêng tu đạo Nhứt thiết trí như vậy, thời nên biết đó là lần lượt càng khó hơn.
Này đại chúng! Chư Bồ Tát khác trải qua vô lượng trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp mới có thể đầy đủ Bồ Tát hạnh nguyện, mới có thể gần Phật Bồ Đề.
Đồng tử này trong một đời có thể tịnh Phật độ, có thể hóa chúng sanh, có thể dùng trí huệ thâm nhập pháp giới, có thể thành tựu các môn Ba la mật, có thể thêm rộng tất cả hạnh, có thể viên mãn tất cả đại nguyện , có thể siêu xuất tất cả ma nghiệp, có thể thừa sự tất cả thiện hữu, có thể thanh tịnh Bồ Tát đạo, có thể đầy đủ những hạnh Phổ Hiền. Di Lặc Bồ Tát khen ngợi công đức của Thiện Tài làm cho vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ đề.
Nam Mô A Di Đà Phật, cùng Mỉm cười Hạnh phúc, Mỗi hơi thở, mỗi bước đi của chúng ta có thể lấp đầy bởi bình an, hạnh phúc và sự thanh thản. Cùng Follow kênh TikTok Mimcuoi.HanhPhuc và an lạc, bình an bạn nhé!